Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là quy định rất tiến bộ

Published Date
11/05/2023

(PLO)- Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật CCCD năm 2014 nhằm góp phần đơn giản hóa trong giải quyết thủ tục hành chính của công dân.

Chiều 9-5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiến hành thẩm tra Luật Căn cước. 

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.     

Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là quy định rất tiến bộ ảnh 1

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. Ảnh: QH

 Báo cáo tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết Luật CCCD năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…  

Tuy nhiên, qua hơn bảy năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta… 

Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật CCCD năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Từ đó, góp phần phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế, xã hội và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư… 

Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho biết Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật CCCD năm 2014 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật CCCD hiện hành. 

Hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình cơ bản đã đầy đủ các tài liệu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.     

Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là quy định rất tiến bộ ảnh 2

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh: QH

 Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật CCCD năm 2014 nhằm góp phần đơn giản hóa trong giải quyết thủ tục hành chính của công dân.

Đánh giá việc xây dựng Luật Căn cước là đột phá lớn để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số, có tác dụng về chính trị, kinh tế, xã hội rất lớn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân đặc biệt ấn tượng với quy định rất tiến bộ là mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. 

Đối với việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng đây cũng là bước tiến, tới đây các em đi học, làm việc, khám bệnh rất thuận lợi... Tuy nhiên đại biểu đề nghị nên có thêm quy định về cha mẹ, người giám hộ trong quản lý, sử dụng CCCD cho người dưới 14 tuổi. 

Đề cập những tác động tích cực của dự án Luật Căn cước đối với hoạt động của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, cho biết ngành Ngân hàng là ngành mong chờ sửa đổi Luật này nhất. Nguyên nhân là toàn ngành hiện có khoảng 150 triệu tài khoản ngân hàng, khoảng 74% dân số trên 15 tuổi có tài khoản mà khi giao dịch ngân hàng thì điều đầu tiên là phải định danh được. 

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng Luật Căn cước ra đời sớm ngày nào thì tốt ngày ấy, giúp ngành tránh được nguy cơ giấy tờ giả trong các giao dịch.     

Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là quy định rất tiến bộ ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên thẩm tra. Ảnh: QH

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định, đây là dự án luật thể hiện sự chuyển mình trong chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam lên tầm cao mới, có vị thế, vai trò mới, là điểm cộng trong gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.  

Bộ Công an sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến thẩm tra, góp ý xác đáng của các đại biểu tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

Theo hồ sơ, dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều (so với Luật CCCD năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 07 điều), tập trung quy định bốn nhóm chính sách lớn.  

- Chính sách 1: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào CCCD.  

- Chính sách 2: Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân  

- Chính sách 3: Bổ sung đối tượng được cấp CCCD và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước  

- Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất CCCD và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Theo N.THẢO/Báo Pháp luật TP.HCM

https://plo.vn/cap-giay-chung-nhan-can-cuoc-cho-nguoi-goc-viet-nam-la-quy-dinh-rat-tien-bo-post732581.html